Ở bài viết trước, chúng ta đã biết tiềm thức – não “bò sát” đóng vai trò quyết định. Mỗi hành động, việc làm của chúng ta đều bị chi phối bởi tiềm thức. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu cách để trò chuyện với tiềm thức của mình.
(Nếu bạn chưa xem phần 1 thì hãy xem lại tại đây: Bạn đã liên tục cố gắng, vậy tại sao bạn chưa giỏi tiếng Anh?)
Vượt lười – Cách để tiềm thức đồng thuận với bạn
Trong phần 1 chúng ta biết được não gồm có 3 lớp:
– Lớp não bò sát: Các cơ chế duy trì bản năng sống của con người – giữ cho cơ thể an toàn và thoải mái (không tạo ra mục tiêu, giá trị sống)
– Lớp não thú (não giữa): Nhận diện về mặt cảm xúc
– Lớp não người: Cơ chế hiểu biết, lý luận tưởng tượng, lý luận
Tín hiệu LƯỜI phát ra từ lớp não bò sát.
Còn MỤC TIÊU, GIÁ TRỊ SỐNG xuất phát từ lớp não người.
Ưu tiên hàng đầu của não bò sát là sự an toàn và thoải mái. Vì vậy có 2 cách cơ bản bạn có thể áp dụng để “trò chuyện” với não bò sát:
Giúp cho não thấy “việc này thật đơn giản!”
Não bò sát thích những việc đơn giản, dễ làm, thoải mái, vì vậy bạn hoàn toàn có thể thuận theo mong muốn này để làm chủ não bò sát. Dưới đây là một số gợi ý cho bạn:
Chia nhỏ việc cần làm
Ví dụ khi cần hoàn thành 1 bài tập tiếng Anh mà bạn trì hoãn đã lâu, hãy tự nói với bản thân: “Bây giờ chỉ cần mình ngồi lên ghế và mở tập ra thôi”, sau đó bạn tiếp tục: “Chỉ cần làm 1 câu đầu thôi rồi nghỉ cũng được”. Chia nhỏ sẽ giúp não bò sát thấy mọi thứ đơn giản và thoải mái hơn.
Áp dụng “quy tắc 5 giây”
Khi cần làm việc gì, bạn chỉ cần đếm ngược 5-4-3-2-1 và bắt tay vào hành động. Bạn có thể kết hợp quy tắc 5 giây với phương pháp chia nhỏ ở trên. Ví dụ: “Bây giờ mình sẽ ngồi lên ghế và mở tập ra. 5-4-3-2-1” và bắt tay hành động. Những việc nào làm càng nhanh, não bò sát càng cảm thấy đơn giản và an toàn. Ngược lại nếu bạn trì hoãn và suy nghĩ quá lâu, não sẽ nghĩ rằng việc này rất khó, không an toàn, và bạn sẽ lại trì hoãn.
“Quy tắc 2 phút”
Thay vì nghĩ tới 1 công việc “khó nhằn” phải làm trong thời gian dài, hãy bắt đầu với suy nghĩ “mình chỉ cần làm việc này trong 2 phút thôi”. Ví dụ như bạn muốn xây dựng thói quen luyện tập tiếng Anh mỗi ngày nhưng lại trì hoãn rất nhiều lần, thì hãy thử bắt đầu mở tài liệu hoặc video học ra và xem trong 2 phút. Và thực tế cho thấy, một khi bạn đã bắt đầu làm thì thường bạn sẽ không muốn dừng lại. Đó là cơ chế mà não hoạt động. Vì vậy mỗi khi có sự trì hoãn xuất hiện, bạn hãy tự nói với bản thân chỉ cần làm trong 2 phút. Dần dần về lâu dài, bạn sẽ làm chủ được sự trì hoãn, vì bạn biết rằng chỉ cần mình bắt đầu làm trong 2 phút thì sau đó mọi chuyện sẽ đâu lại vào đấy.
Trò chuyện với não bò sát bằng từ “an toàn”
Như chúng ta đã biết, ưu tiên hàng đầu của não bò sát đó là “an toàn”. Và để trò chuyện được với não bò sát thì chúng ta cần sử dụng cụm từ “an toàn” này càng nhiều càng tốt. Ví dụ trong một buổi học, bạn biết rằng giơ tay phát biểu là tốt nhưng bạn vẫn vì lo lắng, trì hoãn. Vậy thì hãy thường xuyên trò chuyện với tiềm thức “giơ tay phát biểu là an toàn”, “sai là an toàn”,… Để hiệu quả hơn, bạn có thể chuẩn bị 1 quyển sổ tay để ghi chép những nỗi sợ của bản thân, gắn điều đó với từ “an toàn”, và liệt kê những lập luận vì sao điều đó lại an toàn. Ví dụ: “Sai là an toàn. Khi mình sai ở lớp học thì mọi người sẽ hướng dẫn cho mình đâu là cái mình cần cải thiện, từ đó mình sẽ phát triển hơn và được an toàn hơn trong thực tế”,…
Như vậy, để trò chuyện được với “con voi” mang tên tiềm thức, hãy “học nói tiếng voi”. Và “tiếng voi” ở đây chính là sự an toàn.
Với các gợi ý trên, bạn hoàn toàn có thể chọn ra những cách thức phù hợp với bản thân, hoặc áp dụng kết hợp nhiều phương pháp khác nhau để thực hiện được mục tiêu.
Chúc bạn sớm “vượt lười” thành công trong việc học tiếng Anh nói riêng và trong cuộc sống nói chung.
Cố lên!
#HappyClass
#JKEnglish