Những chuyên gia quốc tế đã dự báo rằng, đại dịch N-Covid lần này sẽ tạo ra 3 cuộc khủng hoảng, lần lượt như sau: khủng hoảng DỊCH BỆNH -> khủng hoảng KINH TẾ -> khủng hoảng TÂM LÝ.
Và bản thân tôi đã học được nhiều bài học TO LỚN qua đợt khủng hoảng lần này:
Rằng, cuộc sống không có nơi nào là thật sự bình yên thật sự. Ở đâu cũng cónhững nỗi sợ, những khó khăn và vấn đề riêng của nó, từ những quốc gia đang phát triển, đến những quốc gia phát triển nhất. Nên hãy học cách để tìm sự bình yên từ chính trong Tâm của mình. Tâm mình là nơi bình an nhất.
Rằng, không có công việc nào là ổn định lâu dài. Mọi công việc, mọi ngành nghề đều có thể thay đổi 180 độ chỉ trong một thời gian ngắn. Nên hãy học cách luôn trang bị những kỹ năng và tư duy để có thể thích nghi với mọi sự thay đổi công việc và nâng cấp bản thân mỗi ngày. Đừng đợi đến khi “bị ép” phải thay đổi thì mới bắt đầu nâng cấp thì không còn kịp cơ hội và rất dễ bị đào thải.
Rằng, mọi sự kết nối và yêu thương trong tầm tay và tầm mắt không thể bền vững trước khó khăn lớn. Có những lúc, bạn không thể quay trở về nhà của mình đúng nghĩa đen. Và bạn không thể gặp gia đình, bạn bè và những người thân yêu của mình. Sự cách ly khiến chúng ta xa tầm tay và vượt khỏi tầm mắt. Nên hãy học cách yêu thương bằng trí tuệ và tâm hồn. Ở đó, không có giới hạn và không gì có thể cách ly sự kết nối và tình yêu thương.
Rằng, khi có quá nhiều việc thì con người ta hay than vãn là quá bận rộn. Bây giờ thì quá nhiều thời gian rảnh thì than vãn không có gì để làm. Nên hãy luôn học cách tự tạo công việc cho bản thân, luôn đưa bản thân mình vào những sự bận rộn tích cực để biết trân quí thời gian và phát triển bản thân hơn mỗi ngày.
Rằng, càng trong khó khăn, con người càng dễ bị tác động mạnh mẽ về cảm xúc. Nên mỗi ngày hãy luôn học cách quản lý cảm xúc cùng sự thấu hiểu. Và tập Thiền là một giải pháp rất hữu hiệu. Đừng đển đến lúc rơi vào khó khăn thì cảm xúc mất kiểm soát.
Rằng, khó khăn là chuyện rất “bình thường” và hoàn toàn có thể xảy ra bất cứ khi nào, ở bất cứ nơi đâu và với bất cứ ai. Nên hãy luôn học cách phát triển trong khó khăn, trân trọng bài học và thời gian trong khó khăn.
Rằng, mọi khó khăn đến rồi cũng sẽ qua đi, nhưng những những gì khó khăn để lại sẽ còn đó và tạo nên tính cách mới. Có thể sau khó khăn có 2 nhóm người. Một là, nhóm tích cực hơn, mạnh mẽ hơn, thích nghi tốt hơn. Hai là, nhóm tiêu cực hơn, yếu đuối hơn và bị đào thải nhiều hơn.
Rằng, khó khăn là giống nhau, nhưng cách con người tư duy, nỗ lực và thái độ trong khó khăn khác nhau. Nên sau khó khăn, cuộc sống mỗi người sẽ khác nhau.
Trong khó khăn, mọi người thường dễ xem nhau là người không may mắn. Từ đó dễ đối xử với nhau như những người không may trong khó khăn. Còn tôi, tôi luôn nghĩ chúng ta luôn may mắn trong mọi hoàn cảnh. Vì nếu có Tư duy tích cực, luôn học hỏi và lòng biết ơn, thì cuộc sống nay rất may mắn và tốt đẹp.
Vì thế, thay vì hỗ trợ, giúp đỡ, chia sẻ khó khăn, tôi quyết tâm TRUYỀN CẢM HỨNG, HUẤN LUYỆN VÀ PHÁT TRIỂN TƯ DUY, CẢM XÚC cho mọi người trong những hoàn cảnh khó khăn nhất. Với hy vọng, sau khó khăn mọi người sẽ Trí tuệ hơn, Yêu thương hơn, Bản lĩnh hơn và Phát triển hơn.
Và tôi đang thực hiện một ƯỚC MƠ GIÁO DỤC.
Cố lên! ❤️
Trần Gia Thông